Trong khi có nhiều loại thực phẩm giúp cung cấp năng lượng, thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn tốt cho đường ruột thì cũng có những loại có hại, làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, gây rối loạn tiêu hóa hoặc các bệnh lý đường ruột khác ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.
1. Ảnh hưởng của sự mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột với sức khoẻ
Hệ vi sinh vật đường ruột đóng một vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa và giữ cho hệ miễn dịch khỏe mạnh.
Các nghiên cứu đã chứng minh mối quan hệ rất chặt chẽ giữa chế độ ăn uống với sự đa dạng và cân bằng của cộng đồng vi khuẩn trong cơ thể con người.
Vi khuẩn và các vi sinh vật khác trong ruột giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn. Những vi khuẩn này cũng có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp cơ thể chống lại vi khuẩn có hại, nấm men và các vi khuẩn khác.
Thực phẩm tăng cường sức khỏe đường ruột có thể cung cấp vi khuẩn tốt cho đường ruột. Thực phẩm kém lành mạnh có thể thúc đẩy các vấn đề về đường tiêu hóa và mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột.
Sự mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột không chỉ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa mà còn gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác có thể dẫn đến chứng rối loạn vi khuẩn, có liên quan đến các tình trạng như: béo phì, đái tháo đường, bệnh gan, viêm ruột, bệnh celiac, ung thư ruột kết…
2. Nguyên nhân gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, có rất nhiều nguyên nhân khiến con người bị mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, bắt đầu từ thói quen ăn uống như: ăn nhiều thức ăn nhanh, nhiều chất béo, thói quen uống rượu bia, sử dụng kháng sinh bừa bãi sẽ tiêu diệt các loại vi khuẩn có ích trong đường ruột.
Khẩu phần ăn không cân bằng, thiếu chất xơ giúp cho lợi khuẩn phát triển hay các loại thực phẩm cung cấp lợi khuẩn cũng ảnh hưởng đến hệ vi sinh đường ruột.
Bên cạnh đó, ăn thực phẩm không an toàn còn làm gia tăng nguy cơ đưa thêm hại khuẩn vào cơ thể. Khi ăn quá nhiều chất đạm, bột đường, dầu mỡ, thức ăn không được tiêu hóa hết sẽ tồn đọng lâu trong ống tiêu hóa.
Ăn đồ cay nóng, uống nhiều rượu bia, cà phê, sử dụng chất kích thích hoặc do thói quen ăn uống quá nhanh, nhai không kỹ, ăn xong đi nằm ngay… sẽ khiến lợi khuẩn đường ruột bị quá tải, không xử lý được hết thức ăn, gây chứng đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu…
Mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột còn có thể gây tiêu chảy, táo bón, mệt mỏi, ăn không ngon miệng và các bệnh lý tiêu hóa khác.
3. Những loại thực phẩm gây hại cho sức khỏe đường ruột
3.1. Thực phẩm chiên rán
Thực phẩm chiên gây hại cho sức khỏe đường ruột ở nhiều mức độ. Thịt chiên rán làm tăng nội độc tố trong ruột và viêm hệ thống bằng cách ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật đường ruột.
Thực phẩm chiên rán cũng có lượng chất béo bão hòa cao và chất béo chuyển hóa đặc biệt không tốt cho sức khoẻ. Chất béo làm chậm quá trình tiêu hóa, vì vậy thức ăn sẽ nằm trong dạ dày của bạn lâu hơn. Và thức ăn béo có thể tạm thời làm suy yếu các cơ thường giữ axit dịch vị trong dạ dày, gây ra tình trạng trào ngược dạ dày thực quản.
3.2. Thịt đỏ
Ăn quá nhiều thịt đỏ có thể làm rối loạn đường ruột. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ăn nhiều thịt đỏ góp phần gây viêm, đặc biệt là ở ruột kết, có thể dẫn đến ung thư ruột kết.
Ăn quá nhiều thịt đỏ là yếu tố nguy cơ của một số bệnh như mỡ máu cao, tim mạch, ung thư, đặc biệt là ung thư đại trực tràng. Đây là kết luận của Quỹ phòng chống ung thư quốc tế dựa trên việc tổng hợp và phân tích dữ liệu từ nhiều nghiên cứu về tiêu thụ thịt đỏ và thịt chế biến sẵn trên các nước và các dân tộc khác nhau.
Đặc biệt, các loại thịt đỏ đã qua chế biến như: thịt nguội, thịt xông khói, xúc xích… dường như có nguy cơ cao nhất về các vấn đề sức khỏe.
3.3. Thực phẩm có hàm lượng đường cao
Ăn và uống quá nhiều thức ăn hoặc đồ uống ngọt có hàm lượng đường cao có thể đặc biệt gây hại cho sức khỏe đường ruột.
Nguyên nhân do thực phẩm nhiều đường và đồ uống có đường có liên quan đến chứng viêm, có thể gây kích ứng ruột và tiêu diệt vi khuẩn có ích.
Những ảnh hưởng này thường đến rất sớm, đặc biệt là việc sử dụng các món ăn vặt nhiều đường ở trẻ em sẽ làm thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột gây ra chứng loạn khuẩn. Và chứng rối loạn sinh học này cũng có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác như não (chức năng ghi nhớ bị suy giảm).
3.4. Thực phẩm chế biến sẵn
Không thể phủ nhận rằng các bữa ăn chế biến sẵn và đồ ăn nhanh như pizza, bánh nướng, gà rán, khoai tây chiên… thường ngon miệng và tiện lợi nhưng nếu ăn thường xuyên bạn phải trả một cái giá đắt cho sự tiện lợi này, nhất là đối với sức khỏe đường ruột.
Để giúp bảo quản thực phẩm và làm cho chúng có hương vị thơm ngon, thực phẩm siêu chế biến có chứa các thành phần nhân tạo như thêm chất làm ngọt, muối, chất bảo quản, chất nhũ hóa, chất làm đặc và hương liệu… tất cả đều có thể gây hại cho sức khỏe đường ruột.
Ví dụ, chất nhũ hóa trong chế độ ăn uống đã được chứng minh là có tác dụng thúc đẩy quá trình viêm ruột kết bằng cách thay đổi hệ vi sinh vật và làm hỏng niêm mạc ruột.
Có thể không nhất thiết phải loại bỏ hoàn toàn mọi thực phẩm đã qua chế biến nhưng để bảo vệ sức khỏe đường ruột bạn nên lựa chọn những thực phẩm lành mạnh, ít qua chế biến hơn hơn như: thịt nạc, trái cây, rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt…
3.5. Rượu
Rượu là một chất độc trực tiếp và là một trong những thứ đầu tiên nên loại bỏ nếu bạn lo lắng về sức khỏe đường ruột.
Đó là bởi vì rượu có thể làm hỏng lớp niêm mạc của đường tiêu hóa. Uống rượu cũng kích thích quá mức đường ruột, điều này có thể khiến bạn bị tiêu chảy.
Rượu làm hỏng chức năng hàng rào của ruột, cho phép các chất độc của vi khuẩn đi vào cơ thể. Khi thành ruột bị kích thích hoặc bị viêm, các điểm nối chặt chẽ giữa các tế bào của nó sẽ lỏng ra và bị tăng tính thấm (hội chứng ruột bị rò rỉ). Ruột bị rò rỉ có thể không nạp được các chất dinh dưỡng có lợi và có thể bị xâm nhập bởi các vi khuẩn có hại.
Thu Phương – Sức khỏe đời sống